Lạm phát được hiểu là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và các dịch vụ theo thời gian đồng thời là sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó.
Lạm phát là một khái niệm được dùng khá phổ biến trên thị trường hiện nay nhất là đối với thị trường tài chính. Vậy lạm phát là gì? Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng lạm phát và ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế như thế nào? Hãy cùng Nganhangviet.org tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội dung chính
Lạm phát là gì? Các mức độ của lạm phát
Theo Wikipedia, Lạm phát được hiểu là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và các dịch vụ theo thời gian đồng thời là sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá tăng cao, với một đơn vị tiền tệ thì bạn sẽ mưa được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với thời gian trước đó, chính vì thế lạm phát phản ảnh rõ nét sự suy giảm của sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Dựa vào tình hình thực tế mà người ta phân ra làm 3 mức độ lạm phát khác nhau bao gồm:
- Lạm phát tự nhiên: Mức giá hàng hóa tăng từ 0-10%.
- Lạm phát phi mã: Mức giá chung của hàng hóa tăng từ 10% – 1000%.
- Siêu lạm phát: Mức giá chung tăng trên 1000%.
Trong thực tế, mức lạm phát mà các quốc gia kỳ vọng thường nhỏ hơn 5% và nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế kỳ vọng của quốc gia đó. Nếu mức lạm phát lớn hơn mức tăng trưởng kinh tế thì nó phản ánh nền kinh tế quốc gia đó đang đi xuống và ngược lại.
Ngoài lạm phát thì bạn đọc cần hiểu rõ hơn về các khái niệm liên quan đến lạm phát như:
- Giảm phát: Là sự sụt giảm về mức giá chung của nền kinh tế thị trường.
- Thiểu phát: Là một trạng thái của lạm phát nhưng ở tỷ lệ rất nhỏ.
- Siêu lạm phát: Là tình trạng lạm phát ở mức độ cao nhất, thường ở ngoài tầm kiểm soát và phá hoại nền kinh tế.
- Tái lạm phát: Là nỗ lực nâng cao mức giá chung để chống lại áp lực giảm phát.
Lạm phát được tính như thế nào?
Ngày nay, lạm phát được đo lường bằng cách theo dõi sự thay đổi, biến động giá cả của một lượng lớn các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế được dựa trên dữ liệu được thu thập bởi các tổ chức Nhà nước, các liên đoàn lao động và các tạp chí kinh doanh…
Lạm phát sẽ được tính dựa trên chỉ số tiêu dùng CPI: được tính theo bình quân gia quyền của một nhóm các hàng hóa thiết yếu. Giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ được tổ hợp với nhau để đưa ra một chỉ số giá cả đo mức giá cả trung bình, là mức giá trung bình của một tập hợp các sản phẩm. Tỷ lệ lạm phát là tỷ lệ phần trăm mức tăng của chỉ số này.
Trong mỗi giai đoạn cụ thể của thị trường, sẽ có sự thay đổi khác nhau về giá của các loại mặt hàng, có những hàng hóa tăng giá trong khi có những hàng hóa lại giảm giá. Nếu mức giá chung của các sản phẩm hàng hóa trên thị trường tăng nghĩa là có lạm phát, còn ngược lại thì ta có giảm phát.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát tiền tệ và lạm phát kinh tế. Dưới đây là các nguyên nhân chính:
Lạm phát do cơ cấu
Với các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, đem lại nguồn lợi nhuận lớn thì các nhà quản lý doanh nghiệp này có xu hướng tăng tiền lương và thưởng cho người lao động. Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả cũng phải theo xu hướng tăng tiền lương cho người lao động để tránh mất nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp này kinh doanh không hiệu quả nên khi tăng tiền lương lao động đồng nghĩa với việc buộc phải tăng giá thành sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận. Do đó dẫn đến tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa.
Lạm phát do cầu kéo
Lạm phát do cầu kéo là lạm phát mà khi nhu cầu mua bán một mặt hàng, hàng hóa hay dịch vụ nào đó trên thị trường tăng lên thì làm cho giá của mặt hàng đó cũng tăng. Kéo theo đó giá của các mặt hàng khác cũng leo thang dẫn đến sự tăng giá của toàn bộ các hàng hóa trên thị trường.
Ở Việt Nam, điển hình nhất là khi giá xăng dầu tăng, sắt thép tăng thì kéo theo các giá cả hàng hóa khác cũng tăng theo như giá thịt, phân bón, thực phẩm, nông sản…
Lạm phát do cầu thay đổi
Là lạm phát mà khi thị trường giảm nhu cầu tiêu thụ, sử dụng về một mặt hàng nào đó trong khi đó nhu cầu về mặt hàng khác lại tăng lên. Nếu thị trường có nhà cung cấp sản phẩm độc quyền thì mặt hàng có nhu cầu giảm sẽ không có xu hướng giảm giá. Trong khi đó, mặt hàng có nhu cầu sử dụng lớn hơn sẽ tăng giá làm cho mức giá mặt bằng chung sẽ tăng dẫn đến lạm phát.
Lạm phát do chi phí đẩy
Là loại lạm phát mà khi các chi phí sản xuất đầu vào, chi phí nhân công, vận hành máy móc, thuế… của một doanh nghiệp tăng lên kéo theo mức giá của hàng hóa tăng lên nhằm đảm bảo lợi nhuận thu về. Điều này cũng khiến cho mức giá chung của nền kinh tế cũng tăng theo.
Lạm phát tiền tệ
Khi các tổ chức ngân hàng nhà nước in thêm tiền, đưa ra các gói cứu trợ kích thích kinh tế, khiến do nguồn tiền vào thị trường tăng trong khi lượng hàng hóa sản xuất ra không tăng theo tương xứng dẫn đến giá cả hàng hóa sẽ tăng lên dẫn đến lạm phát tiền tệ.
Lạm phát do nhập khẩu
Là tình trạng lạm phát mà khi mức giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên thì giá bán trong nước cũng tăng lên kéo theo mức giá chung của thị trường bị giá nhập khẩu đội lên dẫn đến lạm phát.
Lạm phát do xuất khẩu
Khi xuất khẩu tăng, dẫn tới tổng cầu cao hơn tổng cung, hàng hóa sẽ được thu gom để phục vụ xuất khẩu và trở nên khan hiếm hơn trên thị trường khiến cho mức giá bị đẩy lên cao dẫn đến lạm phát.
Ảnh hưởng của lạm phát đến thị trường
Ảnh hưởng tiêu cực
Ảnh hưởng đến lãi suất
Khi xảy ra lạm phát tại các quốc gia trên thế giới sẽ gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị… Trong đó dễ nhận thấy nhất chính là lãi suất ngân hàng.
Lãi suất ngân hàng được tính theo công thức: Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – tỷ lệ lạm phát.
Do đó, khi lạm phát tăng cao, muốn duy trì lãi suất thực ổn định thì bắt buộc phải tăng lãi suất danh nghĩa. Điều này khiến cho nền kinh tế bị suy thoái, tình trạng thất nghiệp cũng tăng theo.
Ảnh hưởng đến thu nhập thực tế
Cũng gần giống với lãi suất, thu nhập thực tế của người lao động cũng được tính bằng thu nhập trên danh nghĩa trừ đi tỉ lệ lạm phát. Khi mà tỉ lệ lạm phát tăng lên trong khi thu nhập trên danh nghĩa không đổi dẫn tới thu nhập thực tế của người lao động bị giảm xuống. Điều này sẽ khiến đời sống của người lao động trở nên khó khăn hơn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, làm giảm lòng tin của người dân đối với Chính phủ.
Phân phối thu nhập không bình đẳng
Khi lạm phát tăng lên đồng nghĩa với việc giá trị của đồng tiền bị giảm xuống, điều này sẽ có lợi cho những người đi vay vốn để đầu cơ trục lợi dẫn đến nhu cầu vay cao kéo theo lãi suất cũng tăng cao.
Tầng lớp những người giàu có sẽ dựa vào lạm phát mà thu gom, đầu cơ tích trữ hàng hóa, tài sản dẫn đến sự chênh lệch lớn trong quan hệ cung cầu hàng hóa trên thị trường. Trong khi đó những người lao động nghèo sẽ càng trở nên khó khăn hơn trong việc mua sắm các sản phẩm hàng hóa, đồ dùng thiết yếu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng nới rộng.
Lạm phát dẫn đến nợ quốc gia
Tình trạng lạm phát sẽ làm cho tỷ giá ngoại tệ so với đồng tiền trong nước tăng, đồng tiền trong nước sẽ trở nên mất giá hơn sơ với đồng tiền nước ngoài khiến cho các khoản nợ nước ngoài sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng này ở hai quốc gia Hy Lạp và Italia trong những năm gần đây.
Ảnh hưởng tích cực
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực kể trên thì tình trạng lạm phát nếu ở trong tầm kiểm soát sẽ mang lại một số lợi ích tích cực như:
- Lạm phát trong tầm kiểm soát sẽ kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư, giảm bớt thất nghiệp trong xã hội.
- Cho phép chính phủ có thêm khả năng lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư vào những lĩnh vực kém ưu tiên thông qua mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định có chọn lọc. Tuy nhiên, đây là công việc khó và đầy mạo hiểm nếu không chủ động thì sẽ gây nên hậu quả xấu.
Hiện nay, mức lạm phát trong tầm kiểm soát tốt nhất là từ 2-5% đối với các nước phát triển, dưới 10% đối với các nước đang phát triển.
Các cách kiểm soát lạm phát hiệu quả
Đối với bất kỳ một quốc gia nào, việc kiểm soát lạm phát để bảo vệ và duy trì nền kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu. Có nhiều cách để có thể kiểm soát lạm phát hiệu quả như:
Giảm bớt lượng tiền lưu thông trên thị trường
- Ngừng phát hành in thêm tiền trong lưu thông nhằm giảm lượng tiền đưa vào lưu thông trong xã hội.
- Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Đây là biện pháp nhằm giảm lượng cung tiền vào thị trường. Biện pháp này tác động đến tất cả các ngân hàng và bình đẳng giữa các ngân hàng với nhau.
- Nâng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tiền gửi: Biện pháp này sẽ làm hạn chế các ngân hàng thương mại mang các giấy tờ có giá đến ngân hàng nhà nước để chiết khấu. Ngoài ra việc nâng mức lãi suất tiền gửi sẽ hút khiến người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn.
- Ngân hàng trung ương áp dụng nghiệp vụ thị trường mở nhằm bán các chứng từ có giá cho các ngân hàng thương mại.
- Ngân hàng trung ương bán vàng và ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.
- Giảm chi ngân sách: Đó là giảm chi tiêu thường xuyên và cắt giảm đầu tư công.
- Tăng tiền thuế tiêu dùng nhằm giảm bớt nhu cầu chi tiêu cá nhân trong xã hội, tăng hàng hóa dịch vụ cung cấp trong xã hội.
Tăng quỹ hàng hóa tiêu dùng nhằm cân bằng với tiền trong lưu thông
- Khuyến khích tự do mậu dịch
- Giảm thuế
- Các biện pháp cho hàng hóa nhập khẩu
Đi vay các gói viện trợ từ nước ngoài
Cải cách tiền tệ
Trên đây là toàn bộ những thông tin về lạm phát, nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về lạm phát để có những bước đi đúng đắn trên thị trường kinh doanh cũng như thị trường tài chính. Chúc các bạn thành công!